Yếu tố phong thủy nào làm nên một kinh đô Seoul – thành phố tráng lệ, sầm uất bậc nhất thế giới ?

Các triều đại phong kiến và ngay cả những nhà nước hiện đại Á Đông luôn luôn coi trọng vị trí phong thủy để đặt kinh đô – trung tâm quyền lực chính trị như một yếu tố tiên quyết cho vận mệnh đất nước, vận hội dân tộc.

Trong suốt năm thế kỷ, Seoul là kinh đô của nhà Triều Tiên – vương triều Khổng giáo kéo dài nhất trong lịch sử Hàn Quốc (và thế giới), nay lại tiếp tục được chọn làm thủ đô của nước Hàn Quốc mới, vậy lý do từ đâu?

Khổng Tử đã nói: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận” nên chúng ta sẽ xuất phát từ phần tên gọi trước. Seoul là thành phố hiếm hoi ở Hàn Quốc không có tên chữ Hán. Giống như ở ta, tên làng bao giờ cũng có tên Nôm và tên chữ (Hán), tên tỉnh thì thường là Hán Việt (trừ mấy tỉnh Tây Nguyên), địa danh ở Hàn Quốc cũng thường tên chữ Hán, duy có Seoul là chỉ tên tiếng Hàn. Từ Seoul là do dân gian gọi, giống như ngày xưa các cụ quen gọi Hà Nội là “Kẻ chợ” vậy. Tên tiếng Hán của Seoul thì rất nhiều, phổ biến nhất là Hán Thành (Hansong) hoặc Hán Dương (Hanyang).

Lý Thành Quế cướp ngôi nhà Cao Ly năm 1392 thì hai năm sau ông quyết định dời đô từ Khai Thành (Kaesong) về Hán Thành (Hansong). Ngày nay cố đô Kaesong nằm trên lãnh thổ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và có khu công nghiệp Kaesong quanh năm bị dọa đóng cửa mà ta vẫn hay thấy trên thời sự. Trong báo cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tại Đại hội Đảng lần thứ sáu (1980), chủ tịch Kim Nhật Thành trình bày kế hoạch về nước Triều Tiên thống nhất sẽ có tên là Cộng hòa liên bang dân chủ Cao Ly và thủ đô dự kiến sẽ đặt tại Kaesong là nơi nằm chính giữa hai miền.

Khi chiến tranh liên Triều nổ ra thì cả hai bên đều muốn chiếm được Seoul bằng mọi giá do nó án ngữ chính giữa đất nước, chỉ trong ba năm mà thành phố này đổi chủ đến mấy lần. Vì vậy mới có chuyện cả phố khúm núm, sợ sệt một nhà có người là Quân đỏ khi quân đội miền Bắc đang chiếm đóng rồi chỉ mấy hôm sau đã lên mặt chửi bới, sỉ nhục người ta khi quân miền Nam tiến vào, được dăm bữa nửa tháng quân miền Bắc quay lại thì tranh nhau trốn với nấp.

Làng đình chiến Kaesong
Làng đình chiến Kaesong

Sau đình chiến, Kaesong là thành phố duy nhất miền Bắc giành được từ tay quân miền Nam. Thất bại trong việc lấy Seoul nên chính quyền miền Bắc đành phải chọn Bình Nhưỡng làm thủ đô. Dù sao Bình Nhưỡng cũng đã từng là kinh đô của vương quốc Cao Câu Ly từ ngày xửa ngày xưa và là nơi nhà Đường đặt cơ quan của An Đông đô hộ phủ. Phong thủy của người Hán thì chắc cũng tin được, chính vua Lý Thái Tổ nhà ta cũng chọn Đại La là nhờ tham khảo Cao Biền cơ mà.

Vậy còn địa thế của mảnh đất Hán Thành có gì xứng đáng để chọn làm kinh đô của một triều đại mới? Seoul có gì hơn Kaesong để Lý Thành Quế phải chuyển đi (cách đấy có 60 cây số)

Khi tìm chỗ đất tốt để xây một công trình, đặc biệt là cho nhà vua và hoàng tộc, ta thường nghe đến Long mạch.

Vậy long mạch là gì? Long là con vật tưởng tượng mang lại điềm lành theo thần thoại Trung Hoa, còn mạch (脈) cũng như huyệt (穴) là hai thuật ngữ dùng trong phong thủy được mượn từ Đông y. Mạch là đường ống dẫn máu trong cơ thể con người, dẫn nhựa trong thân thực vật, dẫn nước dưới lòng đất, nhưng trong trường hợp này là đường vận chuyển một dạng vật chất đặc biệt gọi là khí.

Khí được nhắc đến trong phong thủy có ba đặc điểm chính như sau:

  1. Vô hình
  2. Chạy ngầm dưới mặt đất, tùy địa hình mà tụ lại hay tản ra
  3. Con người hòa hợp với tự nhiên thông qua công cụ là khí

Vì vậy long mạch là đường dẫn sinh khí dưới mặt đất được hình thành tự nhiên, uốn lượn uyển chuyển như con rồng. Người ta cho rằng khí thường tụ lại ở các quả núi vì núi tượng trưng cho cái tĩnh, sự vững chắc, trường tồn cùng thời gian nên long mạch cũng thường nằm trong núi. Đi cùng với núi là sông, tức là nguồn nước. Khoan nói về sự vận hành của khí theo dòng chảy, ta dễ dàng thấy rằng đô thị nào cũng phải có một con sông để cung cấp nước uống và giải quyết nước thải. Tóm lại, mảnh đất đẹp cần phải có núi, có sông mà hợp lý nhất phải là minh đường tụ thủy, hậu đường tọa sơn (nôm na: phía trước có nước, phía sau có núi). Núi sông bao bọc thì rõ rồi nhưng thế nào là đẹp?

Vị trí phong thủy của Thành Phố Seoul
Vị trí phong thủy của Thành Phố Seoul

Một điều nữa cần biết đó là về bốn hướng có bốn vị thần trấn giữ thể hiện bằng bốn con vật linh gọi là tứ tượng: Huyền Vũ – con rùa đen – phương Bắc, Chu Tước – con phượng đỏ – phương Nam, Thanh Long – con rồng xanh – phương Đông, Bạch Hổ – con hổ trắng – phương Tây. Trong mô hình trên Thiếu Tổ Sơn là Huyền Vũ, Án Sơn là Chu Tước, Tả tí gọi cách khác là Tả Thanh Long và Hữu tí gọi cách khác là Hữu Bạch Hổ.

Lấy Cần Chính Điện làm tâm điểm của khu vực trung tâm là Cảnh Phúc Cung, vẽ hai trục Bắc-Nam và Đông-Tây ta mau chóng nhận ra ý đồ của các kiến trúc sư. So sánh với sơ đồ lý thuyết ở trên sẽ thấy tất cả các vị trí hoàn toàn trùng khớp. Minh đường được bảo vệ bởi bốn ngọn núi vòng trong là Bắc Nhạc, Lạc Sơn, Nhân Vương và Nam Sơn. Thủy thì có Hán Giang ở ngoài và Thanh Khê Xuyên dẫn nước chạy ngay sát cung điện. Chính vì vậy mà người ta phải đào lên trả lại Thanh Khê Xuyên như nó vốn có là để khơi thông dòng khí kết nối cả quần thể thành một khối hoàn chỉnh.

Điện Cần Chính – tòa nhà lớn nhất trong quần thể cung điện Gyeongbokgung, dùng làm nơi thiết triều và tiếp đón các sứ thần
Điện Cần Chính – tòa nhà lớn nhất trong quần thể cung điện Gyeongbokgung, dùng làm nơi thiết triều và tiếp đón các sứ thần

Nếu phân tích tiếp cố đô Khai Thành thì kết quả thì cũng hoàn toàn giống như Hán Thành. Cũng hai vòng núi trong núi ngoài, minh đường tụ thủy thậm chí còn chuẩn xác hơn Hán Thành rất nhiều. Vì vậy Triều Tiên Thái Tổ dời đô sang Hán Thành cốt là muốn tìm một mảnh đất mới, xây dựng cung điện mới chẳng qua vì cung điện cũ của nhà Cao Ly đã bị quân khởi nghĩa Khăn Đỏ bên Tàu kéo sang phá hủy hoàn toàn mà thôi.

Kinh thành mới nhưng vẫn dựa trên quan điểm phong thủy cũ. Điểm khác nhau cơ bản là Hán Thành quay hướng Nam còn Khai Thành quay hướng Đông Nam. Hướng Nam là hướng dành cho thiên tử, mà đã nói là Triều Tiên không hợp mệnh đế nên như ta đã biết ở bài trước, Cảnh Phúc Cung cũng có số phận không tốt đẹp hơn là bao. Nhìn vào trục dọc trong hình ta thấy, vì muốn chọn hướng chính Nam mà nó không đi qua các đỉnh núi ở hướng Bắc-Nam nên đẹp mà chưa trọn vẹn.

Vả lại thế đất này dựa dẫm vào quá nhiều núi, có một nhược điểm là nó còn phải hợp tuổi hợp hướng, đời này thịnh, đời sau chưa chắc. Triều đại này, dòng họ này vượng còn triều khác, họ khác lại không.

Muốn chọn “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” thì phải là vùng “ở giữa khu vực trời đất”, bằng phẳng, rộng thoáng, không phải là kinh đô của vua mà là kinh đô của dân, các thủ đô cả trăm cả nghìn tuổi bên Tây bên Tàu đều chung đặc điểm như vậy.

Tuy nhiên hậu thế Hàn Quốc đã nghiên cứu khoa học hơn, đúc rút kinh nghiệm từ tổ tiên, chính phủ Đại Hàn Dân Quốc đang tiến hành dời thủ đô từ Seoul về một thành phố được xây mới hoàn toàn đặt tên là Sejong (Thế Tông) ở xa hơn về phía nam.

Vị trí của Seoul quá nguy hiểm khi có chiến tranh nổ ra, vì vậy mục tiêu của thủ đô mới là quy hoạch lại một cách khoa học trụ sở các cơ quan đầu não (theo phong thủy), đảm bảo an toàn cho chính quyền trong mọi tình huống và giảm tải áp lực đô thị hóa khủng khiếp đang đè nặng lên Seoul.

Chia sẻ với bạn bè:

ĐĂNG KÝ THÔNG TIN TƯ VẤN SẢN PHẨM TẠI SALA GARDEN:

0971.66.66.16