Tôi còn nhớ câu nói của thầy tôi, ông ấy làm thợ đẽo cày. Từ một khúc gỗ to xù xì thành một chiếc cày đẹp đẽ. Đó là sự cố tình, nó xuất phát từ ý thức con người. Nhưng, từ ý thức đó để hiểu ra chân lý rất… chân phương: “Có gọt bớt khúc gỗ mới thành cày. Những mạt gỗ cũng nhẹ nhàng hơn khi tách ra từ khúc gỗ làm nên chiếc cày. Cả hai đều nhẹ nhàng”. Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm. Cứ rối rắm khi nghe câu nói này, lớn lên chút thầm nghĩ ra, giờ mới thấm thía điều đó.
Mọi cái không thể tự nhiên, phải cần đến bàn tay và khối óc của con người. Buông cũng thế, nó cần có ý thức. Mà “lượng” ý thức này cũng như mạt gỗ, nhỏ vừa đủ để nhẹ nhàng. Còn nếu quyết tâm buông, lúc đó ta lại vướng nó vào lòng, càng đục khoét thêm những gì ta muốn buông bỏ. Buông bỏ là nhận lại. Và khi buông, ta nắm được cái vô cùng quý giá, đó là sự nhẹ nhàng.
Nếu con người không có tình yêu, sẽ không có sự bao dung và tha thứ. Và buông lúc này chỉ là sự bất lực. Buông khi ta quá sức, hoặc giả không đạt được nó nên buông tay cũng là điều chẳng nên làm. Hãy nhớ, vốn dĩ ta chẳng có gì cả, không nên mộng tưởng quá nhiều thứ: của cải, vật chất, tiền tài. Và ngay cả tinh thần rồi nó sẽ mất đi, việc gì phải lao đao lận đận đuổi bắt những thứ hư không như thế.
Ai chịu quan sát, sẽ thấy rằng bài học này có từ dòng sông, từ con nước chảy xuôi dòng. Cứ thế, như nước chảy. Cứ sống như sông rồi sẽ qua những ngày tháng rất nhẹ nhàng, êm ái. Thường con người sẽ có hai khía cạnh nổi trội, hoặc là tạo nên yêu thương cho nhau hoặc là tạo nên sự thù ghét. Cũng có thể có cả hai trong một, yêu thương và thù ghét. Vì điều ấy, nó nằm giữa lằn ranh giới rất mỏng mảnh, sợi dây suy nghĩ chỉ lệch hướng, hành động con người chỉ cần xê dịch là mọi thứ trở nên hỗn độn.
Chúng ta có thể dựng xây toàn những yêu thương? Đừng mơ tưởng điều ấy, nếu có yêu thương thì sẽ có thù hận. Cái tốt luôn song hành cùng cái xấu. Chỉ khi ta buông tất cả, cứ sống như sông mới có được sự an lành.
Tôi còn nhớ cách đây hơn chục năm, yêu thương đậm sâu và thù ghét, đến ngày sau nhìn lại mới thấy rằng mình thực tình ngu dại. Giữ lấy là cách làm đau chính mình, và có thể nó làm đau những người xung quanh. Nhưng không giữ lấy thì sợ mất, cái mà thực ra không là của ai cũng chẳng phải là của mình nên con người cứ tạo ra một vòng tròn tham vọng: có được tiền, được tình, cố chiếm hữu… rồi lại chấp nhận mất đi. Đó mới thực sự là giây phút tột đỉnh đau thương của con người, sau bao nhiêu cố gắng dựng xây, giành giật, chắt chiu, chuẩn bị kỹ càng để đón lấy nhưng như cái chớp mắt, mọi thứ chắc hẳn sẽ ra đi khi ta chưa chuẩn bị được gì nhiều. Và hành trình đó, con người không thôi hy vọng, nó le lói bên mình rồi bỗng chừng vụt tắt, lặng im.
Tôi ví việc cha mẹ sinh con như việc đúc tượng cho mình. Những đứa trẻ đáng yêu, những người lớn chân thành, những người lớn hơn dối gian, lọc lừa, thủ đoạn, những người già đầy tuyệt vọng trên cõi mưu sinh… những ngày chẳng biết mình sẽ về đâu khi sinh lực mỗi lúc một mất đi, hơi thở cạn dần và bầu trời trước mắt đen lại. Thực tình, từ khi con người mới sinh ra đã nhận biết được dấu hiệu này, người ta hay gọi đó là “tiếng khóc phản quang”, khi đứa bé vừa lọt lòng, tuột ra khỏi chiếc tổ ấm áp, âm u là thế giới của ánh sáng lạnh giá. Đứa trẻ chẳng phải tự nhiên thét lên, nó đã nhận biết được sự bất an ở quanh mình.
Hãy dạy cho những bức tượng mình đúc ra cuộc sống an nhiên mới là hạnh phúc. Còn mọi thứ, đều là ảo ảnh. Đôi lúc lại bi kịch, thường người giàu sống khổ và người thiếu tiền cũng sống một cách nhọc nhằn. Chỉ những người sống an nhiên mới có được hạnh phúc. Và lắm lúc, khối người chẳng nhận ra điều này. Cho đến khi họ rơi vào bi thảm của vòng xoáy được mất trong đời.
Buông là được an nhiên. Buông không phải là điều ghê gớm, nó chẳng phải là tượng đài, chẳng phải là cõi Niết-bàn hay một cái gì đó cao sang. Nó rất giản đơn mà ai cũng có thể làm được. Bạn hãy buông một lần rồi sẽ thấy, khi ta buông tức là ta nắm được, cái sự vô cùng lớn lao nhưng lại nhỏ bé, nó cứu ta thoát khỏi những nhọc nhằn. Ví như sáng hôm nay, tôi đi qua chiếc cầu, lúc đó gặp gió lớn, chiếc khăn choàng cổ chẳng may bị gió cuốn xuống sông và trôi theo dòng nước. Chẳng cần vội vàng chạy vớt nó, chẳng cần phải luyến tiếc mặc dù mình phải bỏ tiền mới mua được chiếc khăn. Cứ xem cái cầu là “khúc đời” thì chiếc khăn là thứ chẳng còn duyên với ta nữa, ta phải trả, khi đi qua cầu gặp gió, thế thôi.
Ví như chiều hôm nay, ta gặp một người, đầy dẫy những thói hư tật xấu, chẳng cần phải lánh xa họ, họ là con người. Và con người này không hẳn hoàn toàn là dị biệt, họ vẫn có điều đáng trân trọng mà ta chưa nhận ra. Nghĩ như thế cũng là buông cho mình, buông cho người, đừng cố vận vào mình cái mà người khác chưa chắc đã có.
Ví như ngày mai có ai đó làm ta tổn thương, làm ta thù ghét… ta đừng vội vàng, hãy suy nghĩ đến điều này: không ai muốn mình bị người khác ghét bỏ cả, tất cả mọi người ai cũng muốn mình được yêu thương…
Trên đời này có vô khối điều khiến ta tiếc nuối. Không phải dửng dưng mà trong đầu ta tồn tại điều đó, nó được xây đắp, nhìn thấy, lượm lặt… trong một thời gian dài. Ta cố dành dụm những cái chẳng bao giờ là của ta mà đánh mất cái của ta đó là buông bỏ.
Đừng luyến tiếc, nó sẽ mất. Ngay chính bản thân mình, khối vật chất giữ lấy vô cùng những thứ có trong cuộc đời ta cũng chẳng giữ nổi. Một khi, chẳng nắm tay lại được thì mọi thứ sẽ trôi đi. Và con tim ngừng đập chính là lúc cánh cửa được mở ra thật nhẹ nhàng, mọi thứ ắt hẳn sẽ trôi đi. Đến phút chót điều này thật dễ hiểu, buông để sống nhẹ nhàng.
(Sưu tầm: Giác ngộ)