Quy trình tổ chức tang lễ của người Việt

Tang sự luôn là thời gian khó khăn của mỗi gia quyến và trong lúc tang gia bối rối, sẽ khó để có thể tổ chức một tang lễ ấm áp, chu đáo cho người thân yêu.

Thấu hiểu điều đó, Sala Garden xin được đưa ra quy trình cơ bản khi tổ chức tang lễ thông thường nhằm tạo sự thuận lợi cho gia quyến khi gia đình có hữu sự.

*Lưu ý: Bài viết dưới đây chỉ đưa ra quy trình tổ chức tang lễ cơ bản và tùy theo mỗi gia đình có điều kiện khác nhau về kinh tế, tín ngưỡng, Sala Garden sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của gia quyến.

Lập bàn thờ vong: Trước lúc khâm liệm, người ta lập một bàn thờ vong ở trước cửa. Bàn thờ vong là một cỗ linh sa được đặt trên một chiếc bàn rộng. Trong linh sa có bài vị và ảnh cùng tên tuổi của người chết. Trước bài vị là một chiếc mâm bồng bày nải chuối và quả bưởi. Dân gian giải thích rằng: cây chuối có nhiều bẹ ôm bọc lấy nhau, quả ra thành buồng đông đúc, lớp lang, cây mẹ cây con mọc thành bụi, thành khóm um tùm, lá xoè thành tán che chở cho cây non là biểu tượng của tình cảm gia đình quần tụ, nhiều thế hệ, đông vui, yêu thương, đùm bọc, gắn bó, chở che. Chuối lại mọc thẳng, không phát nhánh là biểu tượng cho tính thật thà, ngay thẳng, trung hiếu của con người.

Khâm liệm: Thi thể người chết được đặt trên chiếc chiếu dưới nền nhà, khăn phủ mặt, dùng vải trắng gói người chết lại và đặt vào trong quan tài, gáy được gối cao. Phong tục ở đây không thể thiếu một bộ tam cúc bỏ vào trong ván, để trừ trùng.

Quan tài được đặt ở gian chính giữa, theo chiều dọc của ngôi nhà, song song với bàn thờ. Với những người chết có bệnh phù thũng, người ta dùng cám rang hoặc gạo rang giã nhỏ rắc vào trong ván để hút nước và khử mùi. Kể từ lúc đó đến lúc đưa tang trên quan tài luôn được thắp nến. Nắp quan tài được mở hờ, lúc đưa tang mới đóng khít lại.

Lễ phát tang: Gia quyến làm lễ phát tang. Số khăn tang và mũ mấn được làm đủ với số con cháu, được đặt vào một chiếc mâm trên hương án. Sau khi an táng, cháu, chắt không phải đội tang nữa, nhưng con cái hoặc vợ, chồng thì vẫn đội khăn hoặc dùng một mẩu vải đen đeo trước ngực. Sau giỗ đầu, việc để tang này kết thúc. Trong vòng một năm tang trở này, người ta kiêng không đi đám cưới, không đi chúc tết, không làm những việc đại sự như xây nhà, cưới vợ.

Phúng viếng: Đám tang thường bắt đầu từ 3, 4 giờ chiều hôm trước và kết thúc vào 9, 10 giờ sáng hôm sau. Sau lễ phát tang cho đến trước khi chôn cất là khoảng thời gian để thân nhân, họ hàng phúng viếng. Kể từ lúc này người con trai trưởng phải luôn đứng cạnh bàn thờ vong để cảm ơn những người đến phúng (gọi là đáp từ). Vật phẩm phúng viếng thường là hương, nến, rượu, vòng hoa, câu đối, và “phong bì”. Xưa kia người dân thường dùng rượu và gạo nhưng hiện nay, để giản tiện nhiều người phúng bằng “phong bì”. Người đến phúng đứng thành hàng trang nghiêm trước hương án, một người đại diện bước ra nói lời chia buồn với tang chủ, sau đó họ dành một phút cúi đầu mặc niệm người quá cố. Mỗi lễ thức lại được tấu một khúc nhạc riêng, được quy định sẵn, rất bài bản.

Hạ huyệt: Nếu chưa được chuẩn bị từ trước, huyệt phải được đào vào buổi chiều trước ngày chôn cất. Lúc hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu khác lần lượt ném xuống một nắm đất, thể hiện ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Chủ yếu là những người trong Ban quản lí nghĩa trang thực hiện công việc này. Lúc này mộ mới chỉ đắp sơ sài (gọi là ấp mồ). Người ta phủ vài mảng cỏ, rồi thắp hương và đặt bát cơm bông lên đó.

Hỏa táng: Nếu chọn hỏa táng, người chết sẽ được thiêu bằng các công nghệ hỏa táng hiện đại, phần tro cốt được đựng trong hộp nhỏ kèm theo một vài di vật.

Rước vong về thờ: Ảnh, bát hương cùng mâm quả thờ trên linh sa được rước vào đặt lên bàn thờ. Người ta lập một bàn thờ ở ngay nơi mà trước kia người chết nằm. Hai bên bàn thờ được treo câu đối thành hai hàng dọc. Trên bàn thờ luôn có hương khói, đèn nhang.

Các nghi thức sau đám tang

Đi đắp mộ: Buổi chiều hoặc ba ngày sau đám tang, con cháu người chết mang cuốc xẻng đi đắp lại cho ngôi mộ được cao lên và đẹp hơn. Người ta lấy những mảng có phủ kín bề mặt ngôi mộ, sau đó thắp hương rồi trở ra về. Tuy nhiên, ngày nay phong tục này đã có sự thay đổi, việc đắp mộ sẽ được Ban quản lý hoa viên thực hiện để tiết kiệm thời gian và công sức cho gia quyến.

Cúng tuần đầu: Sau đám tang có lễ cúng tuần đầu. Tuần đầu không quy định bao nhiêu ngày mà là ngày rằm hoặc mồng một đầu tiên kể từ sau khi chết. Người ta sắp cỗ mặn để cúng ở nhà, không cần thiết phải lên mộ.

Cúng 49 ngày: Ngày thứ 49, con cháu làm cỗ mặn cúng tại nhà và mang xôi gà, rượu cùng trầu, cau, hương lên chùa, đền lễ cho vong hồn người chết được mát mẻ, siêu thoát. Sau 49 ngày người ta có thể rước vong linh lên chùa (với những cụ đã quy y nhà Phật). Lễ vật gồm trầu cau, xôi thịt cùng hương nến.

Cúng 100 ngày:  Cúng trong vòng 100 ngày rất đơn giản. Mâm cúng tùy theo từng nhà mà có sự nhiều ít khác nhau, tuy nhiên cơm trắng, trứng luộc và muối trắng là những vật phẩm không thể thiếu.

Cải táng: Người chết từ ba năm trở lên mới được phép cải mộ. Người ta thường xem ngày, chọn giờ tốt, mua sẵn một chiếc tiểu sành để chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Đến ngày đã định, trước khi đào mộ, con cháu làm lễ cúng tổ tiên, trình bày việc “thay nhà mới” cho người chết. Họ cũng sắp lễ đến cúng ở chùa, đền và trên mộ.

Khi cải táng, người ta tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống huyệt. Bởi vậy họ thường dùng bạt che. Rượu được mang theo để rửa tay và đổ xuống ván khi vừa mở nắp, mục đích là để tẩy mùi. Xương cốt được thu gom đầy đủ rồi đặt vào trong tiểu nhưng phải sắp xếp theo đúng như vị trí của chúng trên cơ thể. Tiểu được đem đi chôn ở nơi đã chọn, song nhìn chung người ta thường quy tụ mồ mả của họ tộc về một khu vực để dễ bề trông nom, chăm sóc. Tiểu được chôn vĩnh viễn không chuyển dịch đi đâu nữa.

Kị nhật: Người Việt xem trọng việc làm giỗ tổ tiên và thân nhân của mình mỗi năm một lần vào ngày mất của họ. Có thể giỗ trước hoặc sau ngày chết một ngày. Đặc biệt giỗ đầu luôn được tổ chức long trọng, thân nhân ở xa không về kịp đám tang thường đợi đến giỗ đầu mới về. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng sau một năm mà thân nhân người chết không ốm đau, làm ăn không thất bại, mồ mả không bị động thì người chết đó mới được coi là ra đi thanh thản, mồ yên mả đẹp và phù hộ độ trì cho con cháu. Giỗ đầu được tổ chức linh đình bởi những ý nghĩa đó

Để hành trình của người đã khuất trọn vẹn và chia sẻ phần nào áp lực, khó khăn từ tang sự của mỗi gia đình, Sala Garden mong muốn là người đồng hành, hỗ trợ xuyên suốt quá trình tiễn đưa người đã khuất về cõi vĩnh hằng. Bắt đầu từ việc tư vấn các dịch vụ phù hợp với yêu cầu và điều kiện của mỗi gia đình, Sala Garden sẽ tổ chức tang lễ trọn gói nhằm mang đến sự chăm sóc toàn diện, chu đáo nhất cho người đã khuất. Từ những gói cơ bản đáp ứng nhu cầu của mọi gia đình, Sala Garden còn có thể mang đến những dịch vụ vượt trội với các gói dịch vụ cộng thêm và các gói dịch vụ chuẩn bị trước cho những bậc cao niên.

Chia sẻ với bạn bè:

ĐĂNG KÝ THÔNG TIN TƯ VẤN SẢN PHẨM TẠI SALA GARDEN:

0971.66.66.16