Cầu an, cầu siêu thể hiện nhu cầu, ước muốn của con người về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc ở hiện đời cũng như sau khi mất. Đây là một nghĩa cử tốt đẹp của thế hệ con cháu, tưởng nhớ đến ân đức sinh thành dưỡng dục, của ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Cầu siêu nghĩa là gì?
Ý nghĩa của việc cầu siêu vô cùng quan trọng. Để có thể đạt được kết quả tốt đẹp và dành trọn vẹn ý nghĩa trong buổi lễ, trước tiên, các Phật tử cần hiểu được cầu siêu nghĩa là gì.
Cầu tức là cầu nguyện, siêu có nghĩa là thoát. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình, nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà.
Vì sao phải cầu siêu?
Theo lời đức Phật dạy, thế gian gồm có sáu cõi: ba cõi thấp là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh và ba cõi trên là Người, Atula và Trời. Chúng sinh trong sáu cõi này đều tuân theo quy luật của tự nhiên, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng cái chết không phải là hết, mà chỉ là sự trung gian giữa cõi sống này và cõi tiếp theo.
Tất cả chúng ta đều tin sự sống gồm hai phần: Phần thể xác là thân vật chất và phần tâm linh hay còn gọi là phần tâm thức. Khi chết đi, phần tâm linh tách khỏi phần vật chất, xuất hẳn ra ngoài, thân xác còn lại chỉ giống như một khúc gỗ. Nhưng phần tâm linh, mà dân gian vẫn quen gọi là phần hồn, thì không bao giờ mất. Khi rời bỏ xác thân, theo quy luật và tùy vào nghiệp lực mà phần hồn sẽ bị đưa đẩy, trôi lăn trong sáu đạo luân hồi.
Thông thường, chúng ta cầu siêu để nguyện cho ông bà, cha mẹ chúng ta nếu lỡ chẳng may đọa lạc ba cõi thấp, có thể nhanh chóng được giải thoát, siêu sinh lên các cõi trên an lành hơn.