Hoạt động tảo mộ luôn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên nhằm bày tỏ lòng thành kính và biết ơn những người đi trước. Và qua đó duy trì truyền thống “đạo thờ ông bà” của dân tộc.
Đi Tảo mộ vào những ngày nào?
Theo phong tục, Tảo mộ thường được diễn ra vào tháng Giêng. Đó là thời gian rảnh rỗi, không bận việc đồng áng, là mùa trẩy hội. Dân ta quan niệm rằng “sống sao thì chết vậy”, khi mọi người muốn đón một năm mới cũng trang hoàng nhà của cùng với con cháu tập trung vui vẻ, họ cũng muốn chia sẻ niềm vui ấy với người ở cõi vĩnh hằng. Nhờ vậy họ có thể tỏ lòng thành kính của mình.
Thanh Minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Á Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Diễn giải rõ hơn từ “Thanh” là khí trong còn “Minh” là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những con mưa bụi sau mùa xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết thanh minh (thường bắt đầu trong tháng Ba hoặc đầu tháng Tư âm lịch tùy theo năm).
Người đi tảo mộ sẽ làm gì?
Hằng năm, mọi gia đình thường sẽ đi tảo mộ, hoặc đơn giản hơn là đi dọn dẹp mộ phần của người thân. Người ta thường vun đất phần mộ, dọn dẹp cây cối, cỏ mọc ở xung quanh mộ. Lau dọn, trang trí, sửa sang lại khu mộ của người đã khuất. Dù mộ có lớn nhỏ khác nhau, hoàn cảnh gia đình cũng có khác biệt nhưng truyền thống tảo mộ là một phần thể hiện tình cảm của mình đối với người đã khuất hơn là tục lệ bắt buộc phải thực hiện.
Vì vậy, sửa sang, dọn dẹp mộ phần cũng nằm trong nghĩa hiếu đạo của bậc con cháu. Người Việt Nam có câu “Cao nấm ấm mồ”. Việc sửa sang cho mộ phần không những làm ấm lòng người mất mà còn ấm lòng người còn sống, cảm thấy ta làm một việc vô cùng ý nghĩa.
Tảo mộ gắn liền với truyền thống dân tộc
Lễ tảo mộ thường là sửa chữa, dọn dẹp và trang trí lại mộ phần. Nhân ngày lễ Tết Thanh Minh người ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại mộ phần, dọn dẹp cỏ dại và những cây hoang mọc lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó cắm mấy nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người đã quá vãng.
Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong dịp Thanh Minh qua giúp sửa sang, quét tước cho những nấm mồ vô chủ, hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.
Trong ngày Tảo mộ, nghĩa trang vốn vắng lặng bỗng trở nên đông đúc. Mọi người đi tảo mộ đều ăn vận rất chỉnh tề, khấn vái nơi mộ phần. Cha mẹ có thể dẫn theo con nhỏ trong các dịp tảo mộ. Trước là để biết được những mộ phần của gia tiên, sau là muốn tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến cội nguồn.
Tùy vào thời tiết, Tảo mộ thường vào Tết Thanh Minh khi đó trời quang mây tĩnh. Sau đó gia đình sẽ kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng cỗ con cháu cúng trong dịp này. Nhưng cũng có nhiều nơi gia đình sẽ Tảo mộ vào dịp trước và ngay sau ngày Tết. Ở nhiều địa phương ở vào vùng đất thấp, tới vụ nước, ruộng mương và cả nghĩa trang có thể bị ngập nước thì gia đình sẽ tảo mộ vào đầu tháng 9, sau khi nước đã rút. Đó là lí do gia đình nên lựa chọn nghĩa trang có quy hoạch tốt, tránh tình trạng bị ngập nước ảnh hưởng đến các tục lệ gia đình.
Tìm hiểu thêm về Quy hoạch phong thủy tại hoa viên Sala Garden