Đám tang của bác tôi, không phải ruột thịt. Tôi chỉ biết rằng, mình có cơ duyên được sẻ chia cùng người, nhưng đã là câu chuyện từ một năm trước. Đó là khi bác từ Singapore trở về, trở về sau những chuỗi ngày chiến đầu với căn bệnh của xã hội hiện đại: ung thư. Tôi cùng bác ở trong căn bếp, chuẩn bị bữa cơm ngày tết, khi mà đám thanh niên chúng tôi tới nhà bác “phá phách đầu năm”. Đó là một con người tình cảm, chu đáo, hết lòng vun vén cho gia đình. Nhìn cách bác sắp xếp chuẩn bị từng món ăn cho đám bạn của con mình, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Một năm sau, sự gặp lại kết thúc bằng ánh mắt hướng vào từ phía cửa, vẫn là bác người không phải ruột thịt của tôi, mẹ của một người anh em với tôi là thân thiết, nằm đó và thoi thóp. Tôi chưa từng tưởng tượng sẽ thấy một con người hiền lành phúc hậu, khỏe khoắn giờ đây lại bé nhỏ như một chiếc kẹo và thân hình chỉ chùm vừa một chiếc chăn con.
Đó là lần đầu tiên tôi đọc cuốn sổ nhỏ “Những điều cần làm khi có người thân ra đi” ấn phẩm của chùa Diên Khánh, một hồi, tôi hiểu tại sao ở nhà của bác đến lúc ấy vẫn không có một ai cất tiếng khóc. Vì sự luyến tiếc khi thâm tâm gia chủ cất lên sẽ phần nào khiến người đã khuất bịn rịn. Mặt khác tất cả những người trong gia đình đều muốn bác được thanh thản ra đi, trên con thuyền Bát nhã về bên Đức Phật.
Trong suốt những ngày tang, hiếm thấy giọt nước mắt nào nhỏ xuống từ người con, người cha của các con bác. Mặc nhiên, ai cũng nghĩ trong cái cảnh bi thương đó, dù tâm hồn sắt đá đến đâu cũng sẽ hóa lỏng mà sụt sùi. Cũng trong suốt những ngày tuần tiếp sau, 49 ngày và 7 tuần liên tiếp, tôi mỗi khi rảnh rỗi tôi đều đếu trợ niệm cùng gia đình, mong bác về được bến Giác. Thoát khỏi luân hồi, được ánh hào quang của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn là điều ai cũng mong cho bác. Đặc biệt khi còn sống, con người đó cũng hết một lòng chiêm bái, kính ngưỡng và không tiếc phần nào cúng dường chư Phật.
Chỉ có điều, không phải ai trong chúng ta cũng có cùng quan điểm như vậy, xã hội ngày càng hiện đại, con người ngày càng xa rời đời sống tâm linh. Phần nhiều họ cho rằng, bản thân là quan trọng bậc nhất, không tin vào sự hiện diện của chư Phật, không tin nhân quả. Họ quan điểm đơn giản chết là hết là kết thúc, không có luân hồi cũng chẳng có cái thế giới Tây Phương Cực Lạc như người tu hành thường nói. Vậy là trong đám tang của bác toát ra một “tâm” không bằng lòng. Điều đáng buồn không chỉ cho người đã khuất, mà còn đối với những người đang sống.
Tôi từng được nghe câu chuyện về Hồ điệp đậu trên đài sen Đức Phật, tĩnh lặng, thanh thản, thể hiện ra hết sự vô ưu, không sân hận. Cánh điệp ở đây thể hiện sự siêu thoát, vượt lên để chiêm ngưỡng và thấu thị phép màu. Phép màu từ những điều thật nhỏ bé. Vậy là, tôi đã cho phép bản thân mình, vì thương cảm và một chút tự ái, nói lên rằng:
“Thưa cô, những con sâu nhỏ bé có những loài không có mắt – không có thị giác, chúng chỉ biết ăn lá không ngừng và tự vệ khi có sự va chạm thân xác. Chúng không hề biết đến sự tồn tại của những ai đang quan sát và nghiên cứu chúng: con người. Đối với chúng ta cũng vậy, có thể cô là người theo chủ nghĩa vô thần, điều đó khiến cô không tín, nhưng nếu xét theo phương diện khoa học, chúng ta có thể cũng chỉ là những chú sâu, có chăng sự thiếu sót là bởi chúng ta không có đủ giác quan để nhìn thấy sự hiện diện chiều sâu nơi cõi Phật.
Trong không khí đau buồn, bất cứ ai khi thấy người thân yêu của mình ra đi đều vô cùng khổ não. Họ chỉ nén tiếng khóc cất lên. Họ mong rằng cái chết không phải là điểm tận cùng, mà là một hành trình mới, nơi đó mọi thứ mới thực sự bắt đầu. Người họ thương yêu vẫn tồn tại, ở một trạng thái khác, được thanh than và sung sướng, chẳng còn khổ đau. Điều đó cho họ một sức mạnh vô cùng to lớn mang tên “hi vọng”. Vậy, dù có không tín, cũng chẳng thành tâm thì điều cô nên làm là cùng chia sẻ. Tôn giáo có thứ sức mạnh vô cùng to lớn đó, gắn kết mọi người, là nơi nương tựa, nơi con người tiếp tục hi vọng, mong ngóng cho những người thân yêu của mình được đến với vòng tay của bề trên, dù là Thiên Chúa hay Đức Phật. Vậy, dù có không tín hay cô là một người hiện đại, cô hãy nên thấu hiểu rằng người thân của cô đang hi vọng và người đã khuất thì được an yên”
Lựa chọn mãi mãi là một chú sâu hay ướm lên mình chiếc kén rồi hóa thành Hồ Điệp. Có lẽ hình ảnh cánh bướm đậu đài sen, hơn hết chính là sự giác ngộ, một lòng nhiệt thành mà tin, trên con đường dài luôn thấy được sự thanh thản và truyền cho những người khác, những người có duyên với đạo Phật, những người chưa đủ duyên và cả những người nhiều kiếp sau vẫn trầm luân. Ấy là ta đã gieo một hạt giống bồ đề cho cuộc đời.
Cánh bướm giờ đây đã có đủ giác quan, có thể nhìn thấy được nhiều màu sắc. Như con người ta trải qua khổ sở, niềm tin vẫn không phai mờ sẽ đắc được giác ngộ. Tôi có đọc được một câu nói “ Tu hành không phải để gặp Phật mà là để gặp chính mình”, cái sự tu hành của tôi chưa sâu nhưng hẳn từ đây tôi đã có thêm chút tinh tấn.