Từ rất xa xưa, người ta đã muốn khám phá thế giới của con người sau khi chết. Thế nhưng trước đây, đi vào lĩnh vực ấy, chủ yếu chỉ có hai con đường: triết học và tôn giáo. Từ thế kỷ XVI đến nay, vấn đề được xét dưới một khía cạnh mới mang sắc thái sinh lý, sinh vật và y học. Từ hơn 100 năm trước, những hiện tượng tâm linh được nhìn dưới góc độ khoa học. Loại nghiên cứu này được gọi là tâm linh học với nhiều tổ chức như Hội điều tra tâm linh của Đại học Cambride thành lập từ thập nhiên 1850. Gần đây, tên gọi tâm linh học được thay thế bằng siêu tâm lý học (Parapsychology). Một trong những vấn đề được ngành siêu tâm lý học quan tâm là những kinh nghiệm kỳ lạ thoát ly thân xác và thể nghiệm cận kề cái chết. Các nhà khoa học ngày càng thu thập được nhiều bằng chứng về linh hồn và cuộc sống sau cái chết. Nhưng những bằng chứng này chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn thực sự tồn tại.
Các quan niệm về linh hồn
Đầu tiên phải kể đến là những quan niệm dân gian về linh hồn. Linh hồn trong quan niệm của người Việt Nam có từ rất lâu đời. Được dân gian ghi chép lại qua ca dao, tục ngữ. Chẳng hạn như dân gian hay gọi “ba hồn bảy vía”, “hồn lìa khỏi xác”, “hồn xiêu phách lạc”… Hay đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng đề cập đến chuyện linh hồn trong tập truyện Kiều nổi tiếng rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Nghĩa là cái chết chỉ ở thể xác bề ngoài, còn linh hồn thì vẫn là thứ tồn tại mãi mãi. Không chỉ vậy mà y học cổ truyền phương Đông cũng thừa nhận linh hồn chính là khí trong mỗi con người. Thầy thuốc nhân dân Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, từ xa xưa Đông y đã luôn công nhận con người gồm hai phần hồn và xác. Vì Đông y lấy thuyết âm dương và khí huyết làm chủ. Con người sống được là nhờ âm dương cân bằng và khí huyết đầy đủ. Khi người ta chết, Đông y có câu “hữu hình – hữu diệt, vô hình – bất diệt”, nghĩa là những cái nhìn thấy được – hữu hình: Xương, thịt, huyết… mất đi, vô hình: khí tồn tại vĩnh cửu trong không gian. Hơn nữa, Đông y coi Tâm là chủ thần (sự sống) khi thần mất đi là chết. Thần tồn tại được nhờ khí và huyết, do đó khi người ta tắt thở tức là tâm mất, thần và khí thoát ra ngoài, sau đó kết hợp với nhau và gọi là hồn.
Linh hồn ra đời từ đâu?
Bằng chứng khoa học đáng ngạc nhiên nhất về linh hồn xuất phát từ lĩnh vực cơ học lượng tử – chuyên nghiên cứu về các hiện tượng hạ nguyên tử tạo ra ý thức. Khi quá trình cung cấp máu và oxy ngừng lại, sự gắn kết không còn, nhưng thông tin lượng tử không mất đi. Nó có thể phát tán vào vũ trụ, tồn tại và tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó. Nếu bệnh nhân được cứu sống, thông tin sẽ được não tiếp nhận trở lại. Có lẽ vì thế mà những người từng có trải nghiệm cận tử có thể nhận biết thế giới xung quanh khi họ bất tỉnh. Theo Giáo sư Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia (Mỹ), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn có dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra.
Có lẽ vì thế ý tưởng về linh hồn cũng xuất phát từ hoàn cảnh này. Con người từ thời cổ xưa, khi trải qua trạng thái ảo thân, cho rằng khi đó phần tinh thần rời khỏi phần thể xác. Từ đó, họ bắt đầu tin vào sự tồn tại bên ngoài cơ thể.
Sự đầu thai của linh hồn
Theo Giáo sư Bruce Greyson: “Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại”. DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này. Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác. Đó cũng có thể là cốt lõi của câu chuyện cháu bé bị chết đuối và đầu thai ở Vụ Bản Hòa Bình? Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn một vài trường hợp ở huyện Lương Sơn và Lạc Sơn rất khó giải thích nổi. Có những đứa trẻ khi sinh ra chẳng đi đâu mà biết rõ gia đình nhà người khác cách hàng chục cây số như trong lòng bàn tay, như việc mình đã trải qua. Trong những trường hợp này dân gian dựa vào quan điểm Phật giáo để giải nghĩa. Phật giáo không cho rằng con người chết là hết mà có linh hồn bất tử tiếp tục đầu thai vào kiếp khác. Cứ như thế con người vào vòng luân hồi không ngừng từ đời này qua đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Mặc dù vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể về hiện tượng “đầu thai”, nhưng những câu chuyện rất khó tin lại có thật trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đã khiến các nhà khoa học phải đau đầu.
Linh hồn nặng 21g?
Với ý định thu thập bằng chứng về linh hồn, năm 1901 Duncan MacDougall, một bác sĩ phẫu thuật ở bang Massachusetts (Mỹ) thuyết phục được một bệnh nhân lao phổi đã gần đất xa trời cho phép ông cân trong lúc lâm chung bằng một chiếc cân cải tiến đặc biệt. Từ lúc bắt đầu hấp hối, người bệnh đã được đặt lên cân. Theo ghi chép của MacDougall: “Ngay khi sự sống vừa ngừng lại thì đĩa cân phía bên không có người bệnh bỗng nhiên trĩu xuống, giống như có thứ gì đó vừa bị lấy khỏi thi thể”. Lúc đó nhìn trên mặt cân, thấy người quá cố đã nhẹ đi 21g.
MacDougall tiếp tục tiến hành thí nghiệm với 5 bệnh nhân khác. Ba người trong số này cũng xảy ra hiện tượng giảm trọng lượng đột ngột từ 11 – 43g khi vừa trút hơi thở cuối cùng. Một trường hợp phải ngừng thí nghiệm và một trường hợp không thấy cân nặng thay đổi. MacDougall cho rằng, các trường hợp trọng lượng giảm đi do linh hồn thoát ra khỏi cơ thể!?
Những kết quả nghiên cứu này khiến giới khoa học rất băn khoăn. Nhiều nhà nghiên cứu đều nhận định rằng phát hiện này là vô nghĩa. Quy mô nghiên cứu quá nhỏ, chỉ với 6 bệnh nhân nên kết quả không thuyết phục. Hơn nữa, với trình độ y học khi đó, việc xác định đúng thời điểm người bệnh thực sự lìa đời rất khó chính xác. Chất lượng của cân cũng có thể không đáng tin cậy. Chiếc cân mà MacDougall dùng để cân người bệnh có độ chính xác dao động trong khoảng 5g. Có thể tính rằng nếu bình quân mỗi người chết bị mất 21g mà theo Einstein thì E=mc2 thì năng lượng mất đi là rất lớn, tương đương với việc nâng 189.000.000.000 hòn đá nặng 1 tấn lên cao 1mét!
Bởi vậy, trong khoa học, những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn con người tồn tại sau cái chết về thân xác và sau đó tái sinh trở lại trong một cơ thể mới.
Đi giữa hai thế giới
Quan sát thời điểm một người lìa đời để tìm dấu hiệu của linh hồn đã được nhiều nhà khoa học khác cố gắng thực hiện. Trong một nghiên cứu công bố năm 2009, Tiến sỹ Lakhmir S. Chawla, Đại học George Washington (Mỹ) đã theo dõi 7 trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối khi bác sĩ ngừng các phương tiện trợ sinh (thuốc, máy thở) để họ ra đi nhẹ nhàng. Tiến sỹ Lakhmir Chawla và cộng sự đã sử dụng thiết bị đo hoạt động của não đối với gần 60 bệnh nhân sắp chết. Các nhà khoa học nhận thấy hoạt động sóng não của bệnh nhân lúc lâm chung tăng đột biến và kéo dài từ 30 giây đến 3 phút.
Theo quan sát chỉ số BIS (chỉ số lưỡng phổ, có giá trị từ 0 – 100, tương ứng với từng mức độ từ hôn mê sâu đến tỉnh táo hoàn toàn). Khi chưa ngừng thiết bị trợ sinh, BIS ở mức xấp xỉ 40 hoặc cao hơn. Khi ngừng thiết bị, BIS giảm xuống dưới 20 trong vài phút và tim ngừng đập. Nhưng điều bất ngờ là sau đó, chỉ số BIS ở cả 7 bệnh nhân chết tim đều tăng vọt lên mức từ 60 – 80. Thời gian này kéo dài từ 1 – 20 phút rồi đột ngột giảm và về gần mức 0. Các nhà khoa học tại Trường Đại học George Washington tin rằng, việc tăng đột biến này có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng người sắp chết thấy mình như đang bước vào thế giới bên kia, đi theo sự dẫn dụ của ánh sáng trắng.
Điều bí ẩn là tại sao hoạt động điện não có thể bùng nổ sau thời điểm rút thiết bị trợ sinh, khi mà các mô não đã chết về mặt chuyển hóa, không còn nhận được máu và oxy. Tuy nhiên, mọi cách giải thích đến nay đều chưa làm thỏa mãn các nhà nghiên cứu. Chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh là linh hồn không tồn tại, bởi thế người ta cũng có thể không tin vào sự tồn tại của nó vì chẳng có xác minh hợp khoa học là nó tồn tại cả. Có thể thấy Phật giáo và các tôn giáo truyền thống khác quá chú trọng đến sự tồn tại linh hồn và cuộc sống sau khi chết. Ý tưởng thế giới bên kia mang dụng ý nào đó hơn là sự kiện hay một thực tại, không kiểm chứng nổi.
Có thể chụp ảnh linh hồn?
Kết quả thí nghiệm của MacDougall đã thu hút một số nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc tìm kiếm linh hồn. Năm 1910, Walter Kilner, kỹ thuật viên tại Bệnh viện St Thomas’s (Anh) tuyên bố đã chế tạo được một bộ kính lọc đặc biệt, có thể cho phép quan sát được trường năng lượng của con người. Patrick O’Donnell, một chuyên gia X-quang tại Chicago (Mỹ) đã sử dụng thiết bị này để quan sát một người sắp chết.
Khi bác sĩ tuyên bố bệnh nhân qua đời, O’Donnell thấy trường năng lượng tỏa ra xung quanh thi thể như một vầng sáng và biến mất ngay sau đó. Tiếp tục quan sát thi thể cũng không phát hiện năng lượng nữa. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, một người nghiên cứu tiềm năng con người đã cho rằng ở một dạng thức tồn tại khác, linh hồn mang một lượng năng lượng nhất định. Ở dạng thức này có thể chụp được ảnh linh hồn. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, linh hồn xuất hiện với rất nhiều hình dạng khác nhau. Đó là những hình vòng tròn hoặc hình người méo mó. Những hình ảnh này thường chỉ chụp được duy nhất một lần và không có sự lặp lại. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề chụp được ảnh người chết, ảnh linh hồn đa số người đều cho rằng có sự ngụy tạo, giả dối trong đó. Tất cả nền tảng của thuyết luân hồi về linh hồn rất khó kiểm chứng và nó cũng chỉ ở khía cạnh niềm tin nhiều hơn là sự kiện.
Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này để làm rõ những bí ẩn chưa được giải mã. Khoa học khám phá bản chất và có thể điều khiển được những hiện tượng mà thực tại con người chưa hiểu biết được. Đối với vấn đề cái gì tiếp sau sự sống chắc chắn là được mọi người đều muốn biết rõ.