Cha tôi không phải là người hoàn hảo. Bạn bè tôi, đứa nào cũng khoe cha làm giám đốc một công ty lớn, cha là luật sư có tiếng rồi thì cha làm ngân hàng, làm kỹ sư… Chúng nhìn nhau cười khi nghe tôi nói, cha tôi làm nghề bốc vác. Rồi đứa này truyền tai đứa kia: “Tao đã thấy ba cái Huyền rồi. Nước da đen đúa, áo quần lem luốc, chân đi dép tổ ong, đã thế suốt ngày làm bạn với chiếc xe đạp cà tàng. Nhìn thôi là biết nghèo khổ, đáng thương lắm”. Tôi không trách, cũng chẳng hề xấu hổ vì nghề của cha. Trái lại, tôi yêu thương cha thật nhiều!
Mẹ tôi mất khi thằng Út mới lên ba, còn tôi thì lên bảy. Cha không ngại khó ngại khổ, một thân gà trống bằng nghề bốc vác nuôi chị em tôi khôn lớn, ăn học nên người. Hàng xóm khuyên cha đi bước nữa để có người nâng khăn sửa túi, bầu bạn sớm tối sau này, cha cười, bảo: “Sợ con cái khổ”. Từ đó, cha dành tình yêu thương cho chị em chúng tôi bằng cả sự gánh gồng nhọc nhằn của một người cha và sự lắng lo, quan tâm của một người mẹ.
Cha tôi nghiêm khắc. Và tôi nghĩ bất kỳ người cha nào cũng sẽ vậy. Tình yêu thương của cha là sự cương nghị, dứt khoát, đôi khi nguyên tắc. Áp lực của người đảm trách trụ cột gia đình khiến cha thô ráp, vụng về và có lúc xa cách. Nhưng cha yêu thương chị em tôi bằng tình yêu hoàn hảo nhất. Đằng sau vẻ bề ngoài lạnh lùng, trái tim cha đã khóc, đã cười, đã rung động theo cách mà những người cha đáng kính vẫn thường làm. Đằng sau những đòn roi, quát mắng, chính là sự quan tâm chân tình, là tình yêu trọn vẹn cha dành cho con cái.
“Trên Trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha…” (Cicero). Tôi đã thực sự xúc động khi nghe câu chuyện về người cha gần 20 năm cõng con trai đến trường theo đuổi ước mơ vào đại học trên tấm lưng gầy và đôi chân không biết mỏi mệt. Tôi chẳng thể kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người cha ngụp lặn trong ống cống nhầy nhụa để kiếm tiền đóng học phí cho con… Rất nhiều những câu chuyện cảm động về tấm lòng, tình yêu của người cha để ta nhận ra tình yêu của cha cao cả, lớn lao biết nhường nào.
Kỷ niệm về cha mà tôi nhớ nhất ấy là khi tôi thi đại học. Vừa bước ra khỏi phòng thi, tôi thấy cha ngồi trước cổng, mồ hôi nhễ nhại, đôi mắt đầy lo lắng, chờ đợi. Khi tôi bước lại gần, cha ân cần: “Làm bài tốt không con?”. Thấy tôi vui vẻ, mắt cha liền rạng rỡ. Phút giây ấy, tôi biết cha rất hạnh phúc dù không nói thành lời.
Giờ chị em tôi đã trưởng thành. Nhưng với cha, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ cần được lo lắng, được chở che, quan tâm. “Dạo này có khỏe không con? Nhớ ăn uống đầy đủ! Đi xe cẩn thận! Đừng làm việc quá sức…”. Mỗi lần nói chuyện, cha đều hỏi, đều nói những câu nói lặp lại ấy. Nghĩ đến những sợi tóc bạc đã bắt đầu lấm tấm trên mái đầu cha, lòng tôi đôi lúc mơn man một cảm giác buồn…
Em gọi cho tôi: “Chị ơi, cuối tuần này em về nhà. Em sẽ ở nhà với cha gần một tháng luôn chị ạ. Em sẽ…”. Nghe em nói, tôi bỗng rộn vui trở lại. Và tôi biết, em đã nhận ra điều đáng trân quý nhất ở đời.