Ngôi chùa trong nghĩa trang
Những bức tượng nêu trên hiện đang được thờ trong Tịnh xá Sala nằm trong nghĩa trang sinh thái Sala Garden (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Để nói về cơ duyên vùng đất Long Thành có thêm một ngôi chùa mới, trước tiên phải nhắc đến chuyện Sala Garden. Đây là nghĩa trang rộng đến 50ha, được quy hoạch và xây dựng từ những năm 2015-2016. Theo ý tưởng thiết kế, đây là một nghĩa trang, nhưng hơn cả nghĩa trang, còn có chức năng là một công viên với rừng sala nhiều ngàn cây.
Theo truyền thuyết Á Đông, Đức Phật Thích Ca được sinh dưới gốc cây sala, lúc từ mẫu lên cơn đau thì một nhành hoa sala đã chìa ra cho bà nắm lấy như tiếp thêm sức mạnh. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn kể rằng Phật Như Lai đã chọn giữa hai tàng cây sala để nằm nghỉ và đi vào Niết Bàn. Khi ngài vừa nằm xuống, sala nở hoa rực rỡ thơm ngát dù lúc đó không phải là mùa ra hoa, như kính tiếc giã biệt. Cái tên Sala Garden được đặt cho nghĩa trang này cũng vì thế.
Anh Nguyễn Văn Minh (một cán bộ thuộc BQL nghĩa trang) cho biết, với quan niệm người chết luôn có linh hồn, nên BQL nghĩa trang trăn trở với ý tưởng cần phải có một ngôi chùa, thể hiện sự tôn kính với Đức Phật và phù hợp văn hóa Á Đông, làm nơi thờ phụng tổ chức các nghi lễ tâm linh vào các dịp lễ Tết, cũng là nơi để những người đã mất nghe kinh kệ siêu thoát. Tịnh xá Sala rộng cả ngàn m2, cảm hứng kiến trúc Phật giáo thời Lý ra đời, với ba dãy nhà bề thế, cùng hồ sen cá Koi bình yên.
Cùng quá trình xây chùa, là quá trình tạo tác tượng Phật. Một lãnh đạo BQL nghĩa trang từng có thời gian dài tu tập tại nước ngoài nên thông qua các mối quan hệ đã đặt hàng làm ba bức tượng Phật đặc biệt. Đó là ba tôn tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát từ Nepal do nhà sản xuất tượng trứ danh thế giới Shakya chế tác.
Shakya được thành lập từ năm 1860 tại trung tâm Phật giáo thế giới, chuyên sản xuất tượng Phật với nguyên liệu chế tác đặc biệt và chỉ sản xuất thủ công bằng kỹ thuật cổ xưa.
Gọi những bức tượng này là đặc biệt, còn vì lý do ngoài nghệ thuật điêu khắc tượng bằng tay cho ra những đường nét tinh xảo, người thợ tạc tượng còn phải được yêu cầu “có tâm trí thuần khiết, trái tim vui vẻ và duy trì trạng thái tinh thần thiền định” suốt quá trình tạc tượng.
Chỉ riêng thời gian chế tác bức tượng đã mất gần một năm trời. Tượng cũng không thể đưa về bằng đường hàng không vì quá lớn, nếu thêm khung gỗ bảo vệ thì không thể đưa vào máy bay. Sau cả tháng lênh đường biển, ba bức tượng mới về tới cảng Sài Gòn.
Lại thêm một thời gian làm thủ tục thẩm định nội dung hàng hóa vì tượng Phật nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ VHTT&DL, những bức tượng mới chính thức đặt chân lên đất Việt.
Trang trọng nghi lễ hô thần nhập tượng
Thế nhưng đó mới chỉ hết những kỳ công ở “giai đoạn 1”. Còn một giai đoạn nữa quan trọng không kém tạc tượng là làm nghi lễ nhập tượng. Theo quan niệm Phật giáo, đây là nghi thức quan trọng khi thiền viện chùa chiền thỉnh tôn tượng đức Phật, Bồ Tát về thờ phụng. Trước lễ nhập tượng, các vật phẩm như kinh Phật, bột trầm, hoa khô, vàng bạc của khách thập phương sẽ được các chư tăng nhập vào bên trong tượng. Tượng cũng sẽ được thanh tẩy bằng nước hoa thơm và nước tinh khiết.
Tượng quý tinh xảo kỳ công đưa về từ miền đất Phật thì cao tăng chủ trì lễ hô thần nhập tượng cũng phải vô cùng cao tay xứng tầm. BQL nghĩa trang liên hệ được ngài Khandro La, một cao tăng nổi tiếng thế giới. Sau nhiều lần kết nối, vị cao tăng cùng đoàn tuỳ tùng cuối cùng đã có đã có mặt tại Việt Nam.
Ngày 17/6/2019, trong không khí trang nghiêm thành kính, buổi lễ nhập tượng được chủ trì bởi các cao tăng đã thu hút hàng trăm Phật tử tham dự. Tâm nguyện cung thỉnh ba tôn tượng từ miền đất Phật về tịnh xá Sala không chỉ phục vụ nhu cầu chiêm bái của Phật tử, mà còn mong muốn những linh hồn an nghỉ dưới bóng cây sala thêm bình yên trong tiếng kinh kệ, đã trở thành hiện thực.
Đại diện BQL nghĩa trang cho biết, có một điều rất đặc biệt khi họ nhớ về cao tăng Khandro La. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ nhập tượng, cảm động trước lòng mộ đạo của những người gặp mặt, vị cao tăng đã tặng tịnh xá Sala viên xá lợi của Đức Phật mà cao tăng rất quý trọng, luôn mang theo bên người suốt nhiều năm trời. Nay vị cao tăng này tặng “báu vật” đó cho những Phật tử Việt Nam, đặt lên đỉnh đầu bức tượng Đức Phật ngự tại tịnh xá Sala.